Login
CHUYỆN NGÀNH CHUYỆN TRƯỜNG
Đây là câu chuyện không của riêng bất kì các bạn 98er nào mà còn của rất nhiều, rất nhiều các bạn sinh viên khác. “Ủa, sao hồi đó mình chọn trường này vậy ta?” sẽ nhang nhãng bên tai và trong đầu các bạn.
Có khi lựa chọn đó không phải của mình mà là của cha mẹ, anh chị, thầy cô, hoặc, ta lựa chọn theo xu hướng của bạn bè nữa. Nên đôi khi nhìn lại, ta tự hỏi chính mình: “TẠI SAO, HỒI ĐÓ…?”
Các bạn còn nhớ không:
- Cha mẹ bảo: “chọn ngành A đi con, ngành này dễ xin việc làm”
- Thầy cô tư vấn: “chọn ngành B đi em, ngành này nhu cầu tuyển dụng đang cao”
- Bạn bè rủ: “chọn ngành C đi mày, tao thấy ngành này hợp với mày đó”
Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi: “Thật ra mình thích làm cái gì ta? Mình muốn học trường nào ta?”. Có nhưng rất ít. Và rồi rất hiếm khi bạn tự tìm được CÂU TRẢ LỜI.
VÌ SAO VẬY? Vì có khi bạn biết mình thích làm “cái gì đó” nhưng không biết có trường nào dạy không hay phải theo học ngành gì, trường nào?… Bị thiếu thông tin, bạn không đi tìm kiếm nữa mà sẽ “đi theo đám đông” – ý kiến của cha mẹ, thầy cô và bạn bè.
Các bạn đã nhìn thấy hình ảnh của mình chưa?
Nhưng không sao, các bạn cứ bình tĩnh và tìm ra “ánh sáng” trong câu chuyện tiếp theo.
CHUYỆN NGÀNH CHUYỆN NGHỀ
Ở đây, chúng ta chẳng phải tra từ điển về định nghĩa chữ ngành, chữ nghề làm gì. Chúng ta đang nói đến khía cạnh thực tế của việc “chọn ngành” khi vào đại học và “làm nghề” sau khi ra trường.
Có không ít những thông tin về tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành tăng cao, tuy nhiên, ta cần hiểu thoáng về vấn đề này. Xem xét ví dụ: Khi vào đại học, sinh viên Y chọn ngành “Quản trị Kinh doanh” và khi ra trường, Y làm ở vị trí Nhân sự của công ty Games online. Như vậy, có gọi là trái ngành hay không?
Đọc ví dụ này, hầu hết khẳng định bạn Y làm trái ngành. Đây cũng có thể là suy nghĩ của phần đông các bạn học sinh nữa đấy.
Nhưng thực ra, sinh viên Y không làm trái ngành nhé các bạn. Vì khi các bạn chọn ngành để theo học thì đó là một khái niệm rộng. Trong chương trình học của ngành Quản trị Kinh doanh có môn học Quản trị Nhân sự nên khi ra trường, Y làm công việc trong nghề nhân sự vẫn rất bình thường. Còn về lĩnh vực Games online hay các lĩnh khác đều là những lựa chọn rộng hơn và nó vẫn thuộc hoạt động kinh tế mà thôi.
Có thể nói: Y học NGÀNH Quản trị Kinh doanh, ra trường làm NGHỀ Nhân sự trong LĨNH VỰC Games online vẫn đúng ngành, đúng nghề.
Thậm chí, chuyện đúng ngành đúng nghề hay không ta cũng không nên suy xét chỉ dựa trên các tiêu chí hằng có của xã hội, quan trọng hơn là phải dựa trên “cái tiêu chí thật sự của mỗi con người khi họ được sống đúng với chính mình và được làm điều mình thật sự đam mê”.
VÌ SAO ĐIỀU NÀY LẠI QUAN TRỌNG HƠN?
Vì có khi, ta chọn trường, chọn ngành… học vậy nhưng chưa biết được công việc sau này là gì? Có khi học Kinh tế Đối ngoại (gọi nôm na là xuất nhập khẩu) rồi lại đi làm giáo dục chẳng hay. À, nhưng lại rất thích và rất vui khi làm công việc đó. Lúc đó, cụm từ “làm đúng nghề” mới có giá trị thực sự của nó.
Vì mỗi người khi sinh ra được mặc định sẽ làm tốt được tất cả mọi thứ, cụ thể là sẽ biết khóc, biết cười, biết đi, biết nói, biết ăn, biết gọi cha, gọi mẹ, biết đòi được yêu thương, biết đi học, và trở thành những thiên tài,... Nhưng mỗi đứa trẻ sẽ làm tốt việc nào, vui hơn khi làm việc nào… mới là điều thực sự quan trọng. Và vui hơn khi làm 1 việc chính là sự giải nghĩa cho cụm từ “làm đúng với đam mê của mình”.
Bạn có đang vui khi làm công việc hiện tại, kể cả việc học? Bạn có được sống với đam mê của mình chưa?
Gò bó chi, ép uổng chi bản thân phải làm những điều mà mình không thấy vui vẻ gì?