Đăng nhập
-
Chuyên ngành QUẢN TRỊ NHÂN SỰ - Cử nhân Kinh doanh và Thương mại Quốc tế
14/02/2021 -
Chuyên ngành TÀI CHÍNH - Cử nhân Kinh doanh và Thương mại Quốc tế
14/02/2021 -
Chuyên ngành MARKETING - Cử nhân Kinh doanh và Thương mại Quốc tế
13/02/2021 -
Thông báo tuyển sinh Chương trình Cử nhân Kinh doanh & Thương mại Quốc tế (Bachelor of International Business and Trade)
01/02/2021 -
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN ONLINE
27/03/2020
"Tiếng Anh không khó như các bạn đang nghĩ. Nếu học đúng cách, bạn chỉ cần một năm là có thể giải quyết toàn bộ yêu cầu với môn tiếng Anh ở bậc đại học".
Dưới đây là 5 lời khuyên cho sinh viên:
1. Hãy bắt đầu học tiếng Anh ngay từ sớm
Năm thứ nhất chính là thời gian lý tưởng nhất của thời sinh viên để học tiếng Anh. Nhưng phần nhiều sinh viên mới vào đại học lại sai lầm khi cho rằng năm thứ nhất chưa cần học tiếng Anh vì còn nhiều môn học khác phải ưu tiên hơn, còn tiếng Anh thì chờ tới khi ra trường mới cần đến. Nhưng đáng tiếc tiếng Anh là một môn học đòi hỏi sự tích lũy trong thời gian dài để các kỹ năng sử dụng tiếng Anh mới trở thuần thục. Năm thứ nhất và năm thứ hai đại học thường là những năm học ít vất vả nhất, và đây chính là lúc bạn có thể dành thời gian để học tiếng Anh một cách dài hơi, từ gốc và học một cách bài bản.
Đến những năm thứ ba và tư, bạn sẽ bận rộn hơn rất nhiều cho những môn học chuyên ngành. Bạn còn phải dành thời gian cho việc nghiên cứu, thực hành, thực tập, hay tìm kiếm các cơ hội cho tương lai sự nghiệp. Lúc đó, bạn thực sự sẽ gặp rắc rối lớn nếu còn phải vật lộn với tiếng Anh và sẽ là tai họa nếu bạn còn phải mất thời gian để thi lại hay học lại môn tiếng Anh. Hãy nhớ rằng ngay từ năm thứ hai trở đi, tiếng Anh đã phải trở thành một lợi thế đáng tự hào cho bạn, vì những cơ hội giao lưu, nghiên cứu, và cả công việc sẽ xuất hiện bất ngờ. Khi tiếng Anh là điểm mạnh thì bạn sẽ có ưu thế lớn nhất để nắm bắt được cơ hội.
2. Quên ngay thói quen học ngữ pháp ở bậc phổ thông, hãy chấp nhận các chuẩn tiếng Anh quốc tế và phấn đấu đạt điểm cao cho các bài thi quốc tế
Nếu ở bậc phổ thông, học tiếng Anh là để lấy điểm trên lớp và vượt qua các kỳ thi bằng bài học ngữ pháp, hay các bài đọc nhỏ trong sách giáo khoa, thì ở bậc đại học hầu hết trường áp dụng chuẩn tiếng Anh quốc tế để đánh giá năng lực tiếng Anh của sinh viên, tiêu biểu nhất là TOEIC, IELTS hoặc TOEFL iBT. Bài thi TOEIC có nội dung thiên về tiếng Anh thương mại để phục vụ cho môi trường giao tiếp trong công sở, còn bài thi IELTS và TOEFL iBT tập trung vào nội dung học thuật để phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu trong môi trường tiếng Anh.
Những bài thi này không đề cao việc kiểm tra ngữ pháp, mà trung vào đánh giá 4 kỹ năng thực hành tiếng gồm nghe, nói, đọc và viết. Cách thức làm bài và dạng câu hỏi của các bài thi này khác hẳn, đòi hỏi tân sinh viên một sự thích nghi và một cách học hoàn toàn mới. Đó là học để có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ và để giao tiếp tiếng Anh thành thạo, chứ không phải học để nắm bắt một vài hiện tượng ngữ pháp vụn vặt. Chính vì thế, các tân sinh viên phải thay đổi cách học tiếng Anh ở bậc đại học, đó là học để làm chủ kỹ năng sử dụng tiếng Anh, đồng thời phải học theo những dạng bài thi cụ thể.
Hãy nhớ rằng nếu bạn học đúng cách thì chỉ cần 4 tháng (kể cả khi bạn bắt đầu học lại tiếng Anh từ đầu) thì vẫn có thể đạt 650 điểm TOEIC. Nhưng để vươn tới 7.0 IELTS, nếu học từ đầu thì ngay cả đối với những người học nhanh cũng cần khoảng 2 năm. Và việc nắm trong tay những chứng chỉ này là bạn cũng đang nắm được cơ hội việc làm hay thậm chí là học bổng du học.
3. Hãy học từ nghe và luôn nhớ phát âm là điều quan trọng
Bạn không nên học tuần tự theo nội dung được soạn trong các giáo trình tiếng Anh trên trường. Người học tiếng Anh khôn ngoan luôn bắt đầu từ bài nghe (Listening). Hãy luôn chủ động học trước các bài học trong giáo trình chứ tuyệt đối không chờ đợi tới giờ giảng của thầy cô mới học. Vì học tiếng Anh đòi hỏi sự lặp đi lặp lại, lần học thứ nhất chỉ có tính chất vỡ bài, lần học lặp lại mới là lần học tiếng Anh hiệu quả nhất. Do đó bạn hãy chủ động học trước toàn bộ cuốn giáo trình tiếng Anh; khi lên lớp hãy vận dụng những gì bạn có khi tự học để giao tiếp bằng tiếng Anh một cách chủ động, khắc sâu hơn tiếng Anh vào tâm trí.
Đừng sợ mắc lỗi. Hãy giao tiếp tích cực. Để nhanh giao tiếp được với tiếng Anh và có cảm hứng học tập cho bản thân, bạn hãy mở bài nghe ra và nghe một cách tích cực. Dù bạn nghe mà không hiểu gì thì vẫn cần cố gắng nghe và làm hết các bài tập nghe trong sách. Sau đó bạn hãy mở phần lời của bài nghe ở cuối sách ra và vừa nghe vừa đọc lại lời của bài nghe đó. Khi gặp từ mới bạn hãy tra từ ngay và ghi chú vào sách, rồi tiếp tục nghe và tra cứu cho đến hết bài. Khi nghe và nhìn vào phần lời, bạn bắt buộc phải cố gắng tìm hiểu nghĩa của các từ vựng và các câu viết trong đó thật cặn kẽ. Nếu gặp khó khăn, bạn hãy tìm sự giúp đỡ từ bạn bè hoặc từ bất cứ ai giỏi tiếng Anh. Sau đó bạn cần chăm chỉ phát âm lại các từ vựng mới, và tập nói theo các câu bạn thấy hay trích từ bài nghe.
Lúc này bạn cần cố gắng phát âm cho thật chuẩn. Để phát âm được đúng, bạn cần sử dụng những từ điển điện tử để nghe được cách phát âm chuẩn, và hãy tìm kiếm những phim hướng dẫn phát âm trên mạng, hoặc tích cực tham dự các buổi hội thảo hướng dẫn phát âm. Khi bạn chọn phương án học từ phần Listening trở về và tích cực thực hành nói theo bài nghe, bạn sẽ thấy bài đọc và các bài từ vựng trong cuốn giáo trình trở nên dễ học và dễ nhớ hơn rất nhiều. Nhưng quan trọng hơn cả là bạn sẽ có một cảm hứng nói tiếng Anh rất lớn khi lên lớp. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn.
4. Hãy giao lưu bằng tiếng Anh càng nhiều càng tốt
Việc học tiếng Anh sẽ càng trở nên thực tế và có ý nghĩa hơn nếu bạn tích cực tham gia vào các câu lạc bộ nói tiếng Anh và kết bạn với người nói tiếng Anh bản ngữ. Các câu lạc bộ tiếng Anh có ở khắp mọi nơi và số người nước ngoài tới các thành phố lớn ở Việt Nam ngày càng nhiều. Chỉ cần bạn muốn là có thể dễ dàng tìm được các câu lạc bộ tiếng Anh, hoặc nhóm bạn nói tiếng Anh ở trong trường mình, và nếu bạn năng động hơn thì việc tìm kiếm một vài người bạn nước ngoài để nói tiếng Anh cũng không hề khó khăn.
Đừng ngần ngại khi vốn tiếng Anh của bạn còn quá ít ỏi để có thể giao tiếp, mọi người luôn thông cảm vì bạn mới năm thứ nhất và còn đang học tiếng Anh mà. Chỉ cần tích cực giao tiếp thôi, bạn sẽ không cần quá 3 tháng để có thể diễn đạt chính xác và rõ ràng phần lớn ý nghĩ của bạn bằng tiếng Anh.
5. Bạn mới là người quan trọng nhất quyết định thành công của bạn
Chẳng ai học thay bạn được. Chỉ có bạn mới là người duy nhất có quyền quyết định thái độ học tập, tần suất học, sự tập trung khi học, và cả tham vọng làm chủ tiếng Anh của riêng bạn. Vào đại học, tức là bạn đã trưởng thành, bạn cần học cách chịu trách nhiệm cho chính mình từ đây. Tiếng Anh bao vây cuộc sống của bạn, nhưng nó không chủ động tìm đến bạn. Bạn mới là người quyết định có tìm đến và làm chủ nó hay không.
Và khi đã quyết tâm chinh phục tiếng Anh, bạn sẽ nhận ra một điều thú vị nữa đó là bạn không cần nhiều tới trí thông minh cho lắm để làm chủ tiếng Anh. Cái bạn cần là sự bạo dạn, kiên trì và ý chí quyết liệt khi học. Tiếng Anh là môn học của chí nhiều hơn trí! Vì thế nó không đòi hỏi tố chất bẩm sinh nào, mà nó cần nỗ lực trong từng ngày của bạn. Bạn chính là người quyết định bao giờ bạn thành thạo tiếng Anh.
Theo Thầy giáo Nguyễn Anh Đức
Tác giả cuốn sách Luyện siêu trí nhớ từ vựng tiếng Anh theo phương pháp Do Thái.