Nhập siêu trở lại: Tín hiệu phục hồi kinh tế và áp lực với tỷ giá

Kể từ đầu năm 2015, nhập siêu đã quay trở lại, kèm theo đó là sức ép ngày càng lớn đối với tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng.

Cụ thể, đến hết nửa đầu tháng 3-2015, Việt Nam đã nhập siêu 1,63 tỉ đô la Mỹ, tương đương 5,61% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, tình hình nhập siêu đang có diễn biến tăng dần theo thời gian. Đây là điều khác biệt so với diễn biến thương mại trong bốn năm trở lại đây. Kịch bản thương mại của Việt Nam từ những năm 2012 đều diễn ra theo xu hướng xuất siêu mạnh trong tháng 1 và quay trở lại nhập siêu nhẹ trong tháng 2 và tháng 3 (trừ năm 2012, xuất siêu cả trong tháng 3). Tuy nhiên, tới năm 2015, Việt Nam đã nhập siêu 394 triệu đô la Mỹ trong tháng 1, 966 triệu đô la Mỹ trong tháng 2 và 538 triệu đô la Mỹ trong nửa đầu tháng 3.

Ba nguyên nhân, một thị trường

Nhập siêu cao của Việt Nam trong những tháng đầu năm xuất phát chủ yếu từ ba nguyên nhân chính: (i) sự hồi phục của hoạt động sản xuất trong nước dẫn đến tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu sản xuất, và hàng tiêu dùng; (ii) ảnh hưởng từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia và (iii) sự tăng giá tương đối của tiền đồng so với các ngoại tệ khác trừ đô la Mỹ và sự giảm giá dầu thô, dẫn đến giảm kim ngạch xuất khẩu.

Thứ nhất, sự phục hồi kinh tế trong nước dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất, phương tiện, máy móc phụ tùng tăng cao.

Tính đến hết nửa đầu tháng 3-2015, giá trị nhập khẩu của các mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đã lên tới 5,68 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 46,72% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cũng ấn tượng hơn nhiều so với con số 27,03% tăng trưởng của mặt hàng này trong năm 2014.

Một chính sách tỷ giá cố định cứng nhắc rất có thể sẽ khiến cho tình hình bất ổn tỷ giá tái diễn như giai đoạn 2009-2011.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và phụ tùng sản xuất, giá trị nhập khẩu của các mặt hàng nguyên vật liệu khác cũng tăng khá trong thời gian qua. Cụ thể, khí đốt tăng 15,09%, phân bón tăng 7,9%; thức ăn gia súc tăng 23,61%; bông tăng 33,96%, vải tăng 10,78%, nguyên phụ liệu may mặc tăng 11,44%, linh kiện ô tô tăng 33,38%...

Sự phục hồi kinh tế cũng dẫn đến sức mua trong nước được phục hồi, kéo theo nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng. Ngoài yếu tố nghỉ Tết, quí 1-2015 đã chứng kiến sự gia tăng của hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu như  hàng gia dụng tăng 30,79%, đặc biệt là ô tô đã tăng tới 194,08% so với cùng kỳ năm 2014.

Thứ hai, 2015 là năm sẽ ký kết nhiều hiệp định thương mại quan trọng giữa Việt Nam và các nước đối tác. Nhiều tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài sẽ không bỏ lỡ cơ hội để đầu tư vào Việt Nam trong thời gian này nhằm đón đầu các cơ hội thương mại trên. Thực tế cũng chứng minh, nhiều doanh nghiệp dệt may của Đài Loan, nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản đã mở rộng cơ sở sản xuất và đang tiếp tục đàm phán nhằm mở các cơ sở sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới. Làn sóng FDI này chắc chắn làm tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc và thiết bị vào Việt Nam.

Thứ ba, nhập siêu tăng cao cũng do sự chững lại trong tăng trưởng xuất khẩu, chịu sự ảnh hưởng của giá dầu và đồng euro giảm giá.

Có thể nói, tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong quí 1 xuất phát rất chậm chạp. Tính chung cả quí, xuất khẩu chỉ tăng trưởng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn hẳn mức tăng trên 11% của giai đoạn ba năm trước đây.

Sở dĩ có sự chững lại trong tăng trưởng này là do sự sụt giảm giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng xuất khẩu chính. Trong số 46 mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, có tới 15 mặt hàng bị sụt giảm giá trị xuất khẩu. Đặc biệt là sự sụt giảm giá trị xuất khẩu của các mặt hàng dầu thô, phương tiện vận tải, thủy sản và cà phê. Theo đó, các mặt hàng này đã có sự sụt giảm tới trên 30% chỉ trong ba tháng vừa qua.

Giải thích cho thực trạng này phải kể đến những thay đổi trong tỷ giá euro/tiền đồng và giá của mặt hàng dầu thô. Theo đó, giá dầu thô liên tục giảm và chỉ ở quanh mức 50 đô la Mỹ/thùng đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tới hơn 30% dù sản lượng xuất khẩu đã tăng tới 40,2% trong ba tháng vừa qua.

Thủy sản - mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam - lại chịu tác động xấu từ sự giảm giá đồng euro. Khu vực EU là thị trường xuất khẩu chính của thủy sản, chiếm tới trên 30% giá trị xuất khẩu mặt hàng trên. Vì vậy, khi tỷ giá euro/đô la Mỹ giảm đã ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị xuất khẩu mặt hàng trên và làm giảm 16,9% kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này.

 

Một số mặt hàng khác của Việt Nam tuy có tăng giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ nhưng mức tăng lại thấp hơn. Dệt may - mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai cũng chỉ tăng 8,9% trong quí 1-2015, thấp hơn nhiều con số 16,6% cùng kỳ năm 2014. Mức tăng này là tương đối tốt đối với hàng dệt may,  tuy nhiên, đó là con số khá ngạc nhiên khi tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết hầu hết các doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng tới tận quí 2 năm nay.

Ngoài ra, không thể không kể tới một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng nhập siêu trong thời gian qua, đó là chênh lệch thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Chỉ tính riêng hai tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 7,58 tỉ đô la Mỹ từ Trung Quốc, tương đương 31,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là mặt hàng máy móc, thiết bị phụ tùng và điện thoại các loại.  Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ xuất sang Trung Quốc 2,21 tỉ đô la Mỹ.

Do đó, thâm hụt thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã lên tới 5,37 tỉ đô la Mỹ, nuốt trọn các giá trị thặng dư thương mại của Việt Nam và các đối tác khác như Mỹ, Nhật Bản...

 Áp lực điều chỉnh tỷ giá

Tình hình nhập siêu quay trở lại là điều đã được dự báo trước. Tại hội nghị tổng kết ngành công thương cuối năm 2014, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã đưa ra dự báo trong năm 2015 Việt Nam sẽ lại nhập siêu khoảng 6 tỉ đô la Mỹ. Tuy đây là tín hiệu cho sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam nhưng nhập siêu cao tất yếu gây ra áp lực phá giá tiền đồng.

Ngay từ đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động phá giá tiền đồng ở mức 1% nhưng trong những ngày qua tiền đồng tiếp tục chịu sức ép mất giá. Tỷ giá liên ngân hàng đô la Mỹ/tiền đồng niêm yết của các ngân hàng thương mại đã ở mức sát mức trần 21.600. Điều đáng ngại là tỷ giá tự do đã ở mức vượt trần tỷ giá của NHNN trong một quãng thời gian khá dài.

 Đây rõ ràng là một áp lực rất lớn đối với NHNN trong việc tiếp tục duy trì chính sách tỷ giá cố định hiện nay. Duy trì cơ chế tỷ giá cố định sẽ rất khó điều hòa các dòng vốn đầu tư nước ngoài trung và dài hạn với các dòng vốn cán cân vãng lai ngắn hạn cũng như rất khó điều hòa cung tiền đồng và cung ngoại tệ trong nền kinh tế để kiểm soát lạm phát. Một chính sách tỷ giá cố định cứng nhắc rất có thể sẽ khiến cho tình hình bất ổn tỷ giá tái diễn như giai đoạn 2009-2011.

 

Đinh Tuấn Minh - Lương Thu Hương

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Comment

News View all

INCOTERMS 2010
10/05/2016