Chân dung của một nhân viên Xuất nhập khẩu

Ăn mặc lịch sự, khá chỉnh tề nhưng pha chút bụi bặm, sẵn sàng di chuyển bất cứ lúc nào, điện thoại luôn mở nguồn, đầy pin và nạp rất nhiều tiền để phòng hờ cho các cuộc gọi đi nước ngoài… Đó là những đặc điểm bạn dễ tìm thấy ở một nhân viên xuất nhập khẩu.

Văn Thanh là nhân viên xuất nhập khẩu cho một công ty sản xuất, chế biến hàng nông sản. Mỗi ngày, công việc của anh là đi đi về về giữa công ty và các cảng khắp TP.HCM. Anh cũng không bị ràng buộc thời gian phải đi làm đúng giờ hay ngồi nhiều tại văn phòng. Tuy nhiên, xét về độ vất vả và áp lực, người làm xuất nhập khẩu như anh không hề thua kém nhân viên ở phòng ban nào.

Nhân viên xuất nhập khẩu như Thanh chính là cầu nối giữa Hàng hóa – xuất đi, hàng hóa – nhập về bởi anh phải thực hiện toàn bộ quy trình, thủ tục làm các chứng từ theo quy định của pháp luật. Anh là người trực tiếp giao dịch với đối tác, tiến hành thuê phương tiện vận tải, thanh toán tiền hàng và làm các thủ tục Hải quan để được phép xuất hoặc nhập lô hàng. Hàng hóa nông sản xuất đi của công ty anh phải đạt chuẩn theo yêu cầu nên anh phải kiêm luôn việc lấy mẫu, xin kiểm định thực vật để có được giấy xác nhận của cơ quan kiểm định.

Thường xuyên làm việc với các cơ quan hành chính, gặp gỡ đối tác nên việc ăn mặc chỉnh tề, lịch sự gần như là điều kiện bắt buộc của nhân viên xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, do phải di chuyển nhiều và làm việc dưới cường độ cao nên trang phục cũng cần sự thoải mái, thuận tiện. Với anh Thanh, việc phải ăn vội cơm hộp buổi trưa dưới cái nắng chang chang tại cảng, ngồi chờ xe tải chở hàng đến để giám sát khâu đóng thùng hàng là điều hết sức bình thường. Anh kể, có hôm anh phải thức canh đến khuya tại cảng để chờ nhập một lô hàng và vận chuyển về kho công ty. “Chịu cực một chút nhưng tiết kiệm được nhiều phí kho bãi cho công ty cũng là việc nên làm. Mình học được rất nhiều về tinh thần làm việc không ngại ngày đêm từ những đối tác đặc biệt là… cánh tài xế, bốc dỡ. Từ ngày chuyển sang làm nhân viên xuất nhập khẩu, chàng công tử ngại khó trong mình hoàn toàn biến mất. Mình càng làm càng yêu nghề, không thích những công việc ngồi bàn giấy văn phòng nhiều nữa”. Anh chia sẻ.

Khá bất ngờ khi biết trước đây anh tốt nghiệp đại học ngành… Công nghệ thông tin (phần cứng) và sau một thời gian làm IT, anh theo học về nghiệp vụ xuất nhập khẩu, luật pháp quốc tế về ngoại thương và quyết định rẽ lối nghề nghiệp. Nói về bước ngoặt này, anh chia sẻ: “Cách đây hơn 5 năm, xuất nhập khẩu là ngành khá mới lạ và đầy cuốn hút. Một lần mình theo bạn ra cảng chơi, chứng kiến và sau này tìm hiểu toàn bộ quá trình xuất nhập hàng hóa, thấy thú vị vô cùng, lại hợp với tính cách của mình. Những ngày đầu chập chững vào nghề vô cùng khó khăn vất vả. Mình cũng trải qua tâm lý sợ làm chứng từ sai, e ngại khi làm việc với cán bộ hải quan, giao tiếp bằng tiếng Anh với đối tác nước ngoài, áp lực khi mình là đại diện của công ty đi giao dịch như bất kỳ ai. Nhưng nếu cố gắng vượt qua được giai đoạn đầu, bạn sẽ thấy việc mình đang làm khá ý nghĩa và mang tầm vóc vượt ra khỏi biên giới của các quốc gia”.

Anh còn chia sẻ nếu công nghệ thông tin thỏa mãn sở thích “tìm tòi, lắp ráp máy tính” của anh thì xuất nhập khẩu là nghề nghiệp giúp anh rèn luyện bản thân và có mức thu nhập tốt. Thỉnh thoảng giữa các khoảng thời gian rảnh, anh cũng nhận sửa máy, cài máy tính cho bạn bè và cả đối tác. Anh cho biết, ngoài vốn tiếng Anh phải tốt, khả năng đàm phán cùng khách hàng, khả năng giao tiếp thì sự cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác là yếu tố vô cùng quan trọng đối với nhân viên xuất nhập khẩu. Nếu sai sót sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho công ty nên từ ngày anh làm công việc này, anh đã trở nên kiên nhẫn và làm việc cẩn thận hơn trước rất nhiều.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO, xuất nhập khẩu là ngành trở nên phổ biến. Đây cũng là ngành gần với ngành logicstic còn khá mới mẻ nên cơ hội tìm hiểu, luân chuyển nghề nghiệp giữa hai ngành nghề này khá cao. Các bạn trẻ yêu thích công việc này có thể theo học tại các trường đào tạo nghiệp vụ xuất nhập khẩu cũng như có thể bắt đầu từ vị trí thực tập cho các công ty.

- Kha Nguyễn -

Tags:

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả

INCOTERMS 2010
10/05/2016