Điều kiện và phương thức thanh toán quốc tế (Phần 1)

(Phần 1)

Trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, thanh toán là quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của hai bên mua (nhập khẩu) và bán (xuất khẩu). Do vậy, khi đàm phán về phương thức thanh toán, các bên đều luôn có mong muốn lựa chọn phương thức thanh toán có lợi nhất cho mình. 

Thông tin về các phương thức thanh toán chủ yếu, thường xuyên được áp dụng:

1. Phương thức chuyển tiền (remittance)

Trong giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế, theo phương thức này, nhà nhập khẩu yêu cầu ngân hàng của mình chuyển một số tiền nhất định cho nhà xuất khẩu (người hưởng lợi) ở một địa điểm nhất định bằng phương tiện chuyển tiền do nhà nhập khẩu quy định.
Thực tế, nhiều trường hợp, nhà nhập khẩu sẽ không chuyển tiền hàng cho nhà xuất khẩu cho đến khi nhận đầy đủ hàng. Đây là một lợi thế của nhà nhập khẩu nhưng lại là rủi ro của nhà xuất khẩu khi hàng hóa đã được chuyển giao nhưng tiền hàng không được thanh toán, bị chậm trễ thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ. Tuy vậy, bên nhập khẩu cũng có thể gánh chịu rủi ro, đặc biệt trong trường hợp chuyển tiền trước khi giao hàng như: nhận toàn bộ tiền hàng trước khi giao hàng, đặt cọc, tạm ứng… Trong trường hợp này nhà nhập khẩu có thể sẽ phải gánh chịu rủi ro nếu tiền đã chuyển mà hàng không được giao đúng thời hạn, đúng chất lượng hoặc số lượng…

Để phòng ngừa rủi ro các bên nên:
- Xây dựng rõ lộ trình chuyển tiền:

Ví dụ: chuyển trước bao nhiêu % tại thời điểm nào?; Thanh toán nốt phần còn lại tại thời điểm nào?…
- Thỏa thuận thời điểm chuyển tiền trùng với thời điểm giao hàng.
- Quy định rõ về phương tiện chuyển tiền, chi phí chuyển tiền ai chịu?

2. Phương thức tín dụng chứng từ (Letter of Credit – L/C)

Theo phương thức này thì một ngân hàng (ngân hàng mở thư tín dụng), theo yêu cầu của khách hàng (bên yêu cầu mở thư tín dụng) sẽ trả một số tiền nhất định cho một người khác (người hưởng lợi số tiền của thư tín dụng) hoặc chấp nhận hối phiếu do người này ký phát trong phạm vi số tiền đó khi người này xuất trình cho ngân hàng một bộ chứng từ thanh toán phù hợp với những qui định của thư tín dụng.

2.1. Bản chất pháp lý của thư tín dụng (L/C)

Thực chất trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, phương thức thanh toán thư tín dụng đã chuyển trách nhiệm thanh toán từ nhà nhập khẩu sang ngân hàng bảo đảm nhà xuất khẩu giao hàng và nhận tiền hàng an toàn, nhanh chóng, nhà nhập khẩu nhận được hóa đơn vận chuyển hàng đúng hạn. Vì vậy, ở một mức độ nhất định, L/C là phương thức thanh toán cân bằng được lợi ích của cả hai bên xuất khẩu và nhập khẩu và giải quyết được mâu thuẫn không tín nhiệm nhau của cả hai bên. Vì vậy, phương thức này được sử dụng phổ biến trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.

Đây là một phương thức thanh toán khá an toàn, tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các bên cần lưu ý các đặc điểm pháp lý sau đây của thư tín dụng để tránh áp dụng sai, gây thiệt hại cho chính bản thân mình.
(1). L/C là một khế ước độc lập với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (hợp đồng cơ sở)
L/C được hình thành trên cơ sở hợp đồng cơ sở (hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ,…) nhưng khi được phát hành nó hoàn toàn độc lập với hợp đồng cơ sở. Ngân hàng mở thư tín dụng và các ngân hàng khác tham dự vào nghiệp vụ thư tín dụng chỉ làm theo quy định của thư tín dụng.
(2). Thư tín dụng là một “kiểu mua bán chứng từ”

Theo Điều 5 của UPC600 thì: “Các ngân hàng giao dịch trên cơ sở các chứng từ chứ không phải bằng hàng hóa, dịch vụ hoặc các thực hiện khác mà các chứng từ có liên quan”.
Như vậy Ngân hàng có nghĩa vụ thanh toán cho nhà xuất khẩu khi họ xuất trình được các chứng từ phù hợp với các điều kiện và điều khoản qui định trong L/C. Ngân hàng không được phép lấy lý do bên mua chưa nhận hàng để từ chối thanh toán nếu chứng từ mà bên bán xuất trình phù hợp với các điều kiện và điều khoản quy định trong L/C.

2.2. Những vấn đề lưu ý khi sử dụng L/C

Thanh toán bằng L/C là một phương thức tương đối an toàn cho cả nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả L/C, đồng thời để bảo đảm lợi ích của mình khi sử dụng L/C như là một phương thức thanh toán, các bên nên lưu ý một số vấn đề được nêu sau đây.

Đối với nhà nhập khẩu thì phải làm thủ tục soạn và nộp đơn yêu cầu phát hành thư tín dụng. Thực ra đơn yêu cầu phát hành thư tín dụng theo mẫu chuẩn quốc tế (Standafo, Standaci) nên nhà nhập khẩu chỉ phải điền nội dung cần thiết vào chỗ trống và xóa đi những thông tin không cần thiết. Để bảo đảm tính chính xác của đơn và sau này là thư tín dụng (L/C), nhà nhập khẩu phải dựa trên cơ sở các nội dung của Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế để lập đơn, tránh mọi sự sai khác.

Đặc biệt lưu ý đối với nhà xuất khẩu (người thụ hưởng trong L/C), cần phải kiểm tra kỹ lưỡng thư tín dụng. Bởi vì nếu có sự không phù hợp giữa L/C và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà nhà xuất khẩu không phát hiện ra được mà cứ tiếp tục giao hàng thì nhà xuất khẩu sẽ khó đòi được tiền hoặc ngược lại nếu từ chối giao hàng thì vi phạm hợp đồng.

Cơ sở để kiểm tra L/C là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (hợp đồng cơ sở). L/C phải phù hợp với hợp đồng cơ sở và không được trái với các nội dung của hợp đồng cơ sở. Đối với các hợp đồng có các sửa đổi, bổ sung thì cần cẩn trọng kiểm tra nội dung của hợp đồng gốc và hợp đồng sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra cơ sở pháp lý điều chỉnh L/C thông thường là UCP 600, ISBP 681, eUCP 1.1 và URR 525 1995. Do vậy cần đánh giá hình thức và nội dung của L/C trên cơ sở luật áp dụng.

Về mặt nội dung của L/C, cần kiểm tra kỹ lưỡng các nội dung sau: số tiền của L/C; ngày hết hạn hiệu lực của L/C; địa điểm hết hạn hiệu lực của L/C; loại L/C (thông thường là thư tín dụng không hủy ngang (Đối với nhà xuất khẩu thì nên chọn L/C không hủy ngang cùng với điều kiện miễn truy đòi và nếu được xác nhận thì càng tốt)); thời hạn giao hàng; cách thức giao hàng; cách vận tải; chứng từ thương mại; hóa đơn; vận đơn; đơn bảo hiểm.

Khi phát hiện ra nội dung của L/C không phù hợp với hợp đồng cơ sở hoặc trái với luật áp dụng hoặc không có khả năng thực hiện, nhà xuất khẩu phải yêu cầu nhà nhập khẩu làm thủ tục sửa đổi, bổ sung L/C. Trong trường hợp sự sai sót trong L/C không quá nghiêm trọng thì nhà xuất khẩu và ngân hàng có thể phối hợp tìm hướng giải quyết như nhà xuất khẩu soạn thư bảo đảm chịu trách nhiệm về bộ chứng từ thanh toán gửi ngân hàng phát hành L/C, hoặc thông qua đại diện của nhà nhập khẩu xin chấp nhận thanh toán và gửi ngân hàng phát hành L/C… hoặc chuyển sang phương thức thanh toán khác như phương thức nhờ thu hoặc đòi và hoàn trả tiền bằng điện…

Nói tóm lại L/C với nội dung phù hợp với hợp đồng cơ sở và không trái luật áp dụng sẽ bảo đảm quyền lợi cho cả nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu.

Để được tư vấn chuyên sâu về thanh toán trong thương mại quốc tế, bạn có thể tham khảo khóa học TTQT tại trường ĐH Ngoại thương

(Phần 2) Điều kiện và phương thức thanh toán quốc tế 

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả

INCOTERMS 2010
10/05/2016